Hội nghị được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; tiếp sóng, phát trực tiếp trên các nền tảng số của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và đài phát thanh - truyền hình địa phương trong cả nước.
Dự tại điểm cầu của Tỉnh ủy Thái Nguyên có các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên lãnh đạo tỉnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh...
Các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì tại điểm cầu cấp tỉnh
Tham dự Hội nghị toàn quốc có trên 37.000 điểm cầu với trên 1,5 triệu cán bộ, đảng viên; tỉnh Thái Nguyên tổ chức 225 điểm cầu từ cấp tỉnh, huyện đến cơ sở, với sự tham gia của khoảng 20.000 cán bộ, đảng viên.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh tham dự Hội nghị
Giới thiệu nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết này một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” cho kinh tế tư nhân, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước. Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Đó là: đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Để Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phân công nhiệm vụ với thời hạn cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh
Giới thiệu nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước. Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo; mục tiêu trung hạn đến năm 2030; mục tiêu dài hạn đến năm 2045 và đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình hiện nay, với thành tựu đất nước sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, việc ban hành 4 Nghị quyết (Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân) có thể gọi là “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước ta cất cánh bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam; hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045…
Nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách năm 2025 và 4 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025 - 2030), Tổng Bí thư yêu cầu cần: Hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển, triển khai toàn diện Nghị quyết 66, cải cách mạnh mẽ quy trình xây dựng, thi hành và đánh giá pháp luật; Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng hạ tầng dữ liệu và nền tảng số cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả, chủ động đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, tận dụng cơ hội từ chuỗi cung ứng toàn cầu và dòng vốn đầu tư quốc tế; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, tín dụng, công nghệ, thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp linh hoạt, năng động…
Đồng chí kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.
Trước khi Hội nghị khai mạc, tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham quan triển lãm “Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân”. Đại biểu tại các điểm cầu theo dõi Triển lãm được trực tuyến trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Dưới đây là hình ảnh tại một số điểm cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên:
Điểm cầu xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ
Điểm cầu phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên
Điểm cầu phường Bắc Sơn, thành phố Phổ Yên
Điểm cầu xã Lam Vỹ, huyện Định Hoá
Điểm cầu Huyện uỷ Phú Lương
Điểm cầu phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công
Nguyễn Lan